Chuyển dạ là quá trình sinh nở tự nhiên của cơ thể mẹ. Trước khi quá trình này bắt đầu, mẹ sẽ nhận được những tín hiệu từ cơ thể mình. Dưới đây là những dấu hiệu chuyển dạ điển hình nhất mà mẹ cần lưu ý.
Dấu hiệu 1: Tụt bụng hay sa bụng dưới
Quá trình em bé cố định hoặc hạ thấp xuống khung xương chậu của bạn để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ được gọi là sa bụng dưới, hay dân gian thường gọi là tụt bụng. Dấu hiệu này đặc biệt dễ nhận biết với các mẹ bầu sinh con lần đầu và nó có thể xuất hiện trước khi sinh vài tuần, hoặc vài giờ.
Em bé di chuyển xuống bụng dưới, chèn vào bàng quang của mẹ. Điều này có thể khiến mẹ cảm thấy buồn tiểu nhiều lần hơn trong ngày cùng với cảm giác nặng nề, bất tiện khi di chuyển. Tuy nhiên, giai đoạn này, mẹ cũng sẽ cảm thấy dễ thở hơn vì em bé di chuyển khiến lồng ngực và phổi của mẹ được giải phóng. Mẹ cũng sẽ không còn gặp phải chứng ợ nóng khó
Dấu hiệu 2: Cơn gò chuyển dạ
Trong tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ, mẹ sẽ rất dễ dàng gặp phải những cơn gò bụng. Tuy nhiên, chúng không phải là những cơn gò báo hiệu quá trình chuyển dạ bắt đầu. Theo Hội Sản Phụ khoa Mỹ, các cơn co chuyển dạ giả này được gọi là cơn co Braxton Hicks. Chúng đặc biệt hay xuất hiện ở tháng cuối thai kỳ.
Dưới đây là một số đặc điểm giúp mẹ có thể phân biệt được những con gò Braxton Hicks và những cơn gò chuyển dạ thật sự.
Khi chuyển dạ, các cơn co thắt, gò bụng diễn ra đều đặn và tăng dần. Trung bình khoảng 5 – 10 phút mẹ sẽ cảm nhận được một cơn gò kéo dài từ 30 – 60 giây. Sau đó, tần suất xuất hiện của chúng tăng dần lên 2-3 phút/cơn.
Dấu hiệu 3: Bong nút nhầy âm đạo
Nút nhầy là cụm từ để chỉ một khối chất nhầy nhỏ, nằm ở vị trí lỗ cổ tử cung. Trong thai kỳ, nó có nhiệm vụ ngăn chặn vi khuẩn, virus và các nguồn lây nhiễm khác từ môi trường bên ngoài đi vào tử cung gây hại cho mẹ và thai nhi.
Thông thường, trong khoảng tuần thứ 38 – 40 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ thấy chất nhầy này bong ra khỏi cơ thể. Đây là dấu hiệu mẹ có thể chuyển dạ trong 1-2 ngày tới.
Nút nhầy cổ tử cung thường có màu hồng, hoặc nâu và có thể kèm một chút máu. Để tiện quan sát, nhận biết được việc bong nút nhầy, mẹ bầu nên lưu ý mặc đồ lót sáng màu trong những tuần cuối của thai kỳ.
Dấu hiệu 4: Vỡ ối
Vỡ ối được coi là một dấu hiệu rõ ràng nhất của việc mẹ sắp bước vào quá trình chuyển dạ. Nước ối là chất dịch lỏng rất giàu dinh dưỡng, là môi trường bao bọc xung quanh thai nhi trong tử cung của người mẹ. Nước ối bảo vệ cũng như giữ vai trò quan trọng với sự phát triển của thai nhi.
Không phải tất cả các mẹ bầu đều vỡ ối trước khi chuyển dạ và dấu hiệu vỡ ối diễn ra ở mỗi mẹ bầu cũng hoàn toàn khác biệt. Mẹ có thể thấy một dòng nước lớn, chảy mạnh ra từ âm đạo. Hoặc cũng có thể là một dòng nước nhỏ, rỉ ra thành dòng nhỏ, với vận tốc chậm hơn. Vỡ ối không đi kèm những cơn co thắt, mẹ sẽ không cảm thấy đau đớn khi hiện tượng này xảy ra. Nước ối thường không có mùi và có thể trong hoặc có màu vàng.
Dấu hiệu 5: Chuột rút và đau lưng
Chuột rút và đau lưng thường xuất hiện và trầm trọng nhất ở cuối thai kỳ, khi thai nhi đã lớn. Tuy nhiên, khi sắp sinh, mẹ sẽ bị những cơn chuột rút làm phiền thường xuyên hơn kèm theo những cơn đau lưng, đau thắt lưng, đau háng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do các bó cơ, khớp ở vùng xương chậu và tử cung bị giãn nhiều, kéo căng ra để mở đường, chuẩn bị cho quá trình chào đời của thai nhi.
Các dấu hiệu chuyển dạ ở các mẹ bầu khác nhau, các lần sinh nở khác nhau sẽ có thứ tự và thời gian riêng biệt. Vì vậy, mẹ bầu hãy quan sát bản thân thật kỹ trong những ngày cuối của thai kỳ. Khi có dấu hiệu chuyển dạ, mẹ nên đi thăm khám lại để các bác sĩ đánh giá tình trạng và quyết định mẹ bầu đã nên nhập viện hay chưa. Mẹ bầu cũng không cần quá lo lắng, vội vã mà hãy bình tĩnh để các quyết định được chính xác hơn. Đừng quên, theo dõi PregEU để có thêm nhiều thông tin hữu ích khác.